Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

Lưỡng triều Hoàng Hậu Chương 33

 

Lưỡng triều Hoàng Hậu Chương 33

Chương 33

Hoa Lư đô thị Hán Tràng An. Hoàng Long Giang, Vân Nga tri ngộ Hồng Hiến

************************************

Vừa bổ nhiệm hai vị tân nhậm Binh Bộ Thượng thư và Hộ Bộ Thượng thư xong, Hoàng Thượng lập tức lên đường đi Giao Châu chuẩn bị cho Đại lễ tế Thủy trên sông Nhị. Lần này việc của Lê Viễn sở dĩ thuận lợi qua mắt được Hoàng Thượng cũng bởi Hoàng Thượng còn đang phiền não việc trị thủy. Nếu bình thường, có lẽ chỉ cần Người ngẫm lại một chút liền nhìn ra được cả vụ việc phía sau có kẻ đang khuấy sóng. Dù gì Hoàng Thượng đi lần này dăm bữa nửa tháng cũng chưa thể về ngay, tôi liền nhân cơ hội xuất cung một ngày.

Ba năm trước, năm Canh Ngọ 970 - Thái Bình năm thứ nhất, Hoàng Thượng đã cho đúc đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo. Tiền đúc bằng đồng, hình tròn, lỗ vuông, biểu tượng cho trời và đất theo quan niệm của người Việt. Đây là đồng tiền riêng đầu tiên của người Việt ta sau khi giành được độc lập, tự chủ. Bắt đầu từ thời điểm này, nền kinh tế tiền tệ của Đại Cồ Việt mới bắt đầu manh nha phát triển. Ngoài ra, một số đồng tiền của nhà Đường cũ như Khai Nguyên và một số đồng tiền của nhà Tống đương thời như Thuần Hóa, Tường Phù cũng được lưu hành trong nước ta và cũng được sử dụng trong thông thương với người Tống, đặc biệt là tại các vùng thương cảng biên viễn.

Từ ba năm trước, tôi đã đề xuất với Hoàng Thượng một loạt các chính sách thông thương với nước Đại Lý và nước Tống. Hoàng Thượng rất hài lòng đồng thời đã giao cho tôi toàn quyền cai quản một Ty trong Hộ Bộ chuyên phụ trách hoạt động thương mại. Dưới sự đề xuất của tôi, Hoàng Thượng đã cùng Đại Lý và Tống lập ra nhiều trạm giao dịch song phương gọi là Bạc dịch trường đặt trên đường thông lộ biên giới giữa Đại Cồ Việt với Đại Lý và Tống. Trong đó lớn nhất phải kể đến Bạc dịch trường Na Chàm ở Ải Nam Quan, nơi này tập trung nhiều thương nhân, lái buôn từ Quảng Nguyên của Đại Cồ Việt, Đặc Ma Châu của Đại Lý và Quảng Châu của Tống. Các Bạc dịch trường này tôi lại giao cho các quan viên địa phương ở biên giới mạn Bắc, chủ yếu là người của Lê Hoàn trực tiếp cai quản. Ngoại trừ làm nhiệm vụ hỗ trợ và giải quyết tranh chấp giữa thương nhân người Việt với thương nhân Đại Lý và Tống, các Bạc dịch trường này còn giúp tôi thu thập không ít tin tình báo từ Tống Triều.

Trong lãnh thổ Đại Cồ Việt còn có rất nhiều các làng nghề thủ công nghiệp thường xuyên trao đổi hàng hóa với các lái buôn người Tống và Chiêm Thành. Kinh đô Hoa Lư cũng là một trong những thương cảng lớn của cả nước. Tại Trường Châu, sông Hoàng Long chảy qua phía bắc địa phận Hoa Lư hợp lưu với sông Đáy đổ ra biển lớn ở cửa Đáy, trở thành một hệ thống giao thương đường thủy hết sức quan trọng tại kinh đô Hoa Lư.

Hôm nay, tôi cải nam trang dẫn theo cung nữ cận thân Xuân Hương xuất cung chính là để đến bến đò Hoàng Long thăm thú tình hình giao thương tại đây.

Khi tôi cùng Xuân Hương đến bến đò đã thấy thuyền lớn thuyền nhỏ nườm nượp ra vào. Hàng hóa không ngừng được vận chuyển lên xuống. Bên bờ sông cũng hình thành một khu chợ sầm uất bày bán đầy đủ các loại sản vật địa phương, gia súc, gia cầm cũng như các đồ dùng thủ công mỹ nghệ, tơ lụa, đồ đồng, đồ sắt, hàng thuộc da của Đại Cồ Việt. Ngoài ra, còn có các lái buôn Tống và Chiêm Thành đem vô số các sản vật địa phương nước họ sang nước ta trao đổi. Thương lái và khách nhân, người qua kẻ lại hỏi hàng cùng trả giá không ngớt, không khí vô cùng tấp nập, náo nhiệt. Chứng kiến khung cảnh ấy, tôi không khỏi cảm khái mà nhớ đến hai câu đối nổi tiếng về Hoa Lư mà tôi đã từng nghe qua trước đây:

Cồ Việt Quốc đương Tống Khai Bảo

Hoa Lư đô thị Hán Tràng An[1]

Nghĩa là nước Đại Cồ Việt sánh ngang nước Tống những năm Khai Bảo, còn Kinh đô Hoa Lư tựa như Kinh đô Tràng An của nhà Hán.

Thăm thú đến gần trưa, tôi cùng Xuân Hương tìm đến một quán nước ven đường nghỉ ngơi, uống tách trà, ăn chút điểm tâm. Vừa ngồi xuống đã nghe hai vị khách ngồi bàn bên cạnh lớn tiếng nói chuyện, Xuân Hương khẽ nhíu mày. Nhìn trang phục họ có vẻ đều là thương nhân người Việt, một trong hai vị tuổi chừng tứ tuần đập bàn nói lớn:

Gần đây dê núi được giá lắm nha. Tôi kể chú nghe, tuần trước tôi mua lại từ nông dân trên núi một trăm con dê giá mười tiền một con, hôm sau bán lại cho lái buôn phương Bắc được tới mười hai tiền một con. Cứ ngỡ đã lời rồi, không ngờ giá dê núi lại tiếp tục tăng, ba hôm trước, tôi lại mua thêm một trăm con dê giá mười lăm tiền một con, sáng nay vừa bán hết sạch với giá mười tám tiền một con. Chỉ trong một tuần mà qua hai lần bán lại tôi đã kiếm lời đến năm tiền một con. Ha ha ha.

Bộ dạng ông ta nói chuyện vô cùng cao hứng, cười đến híp cả mắt, há cả mồm. Mà vị nhỏ tuổi hơn ngồi bên cạnh giơ bàn tay ra nhẩm nhẩm, mặt hơi khó xử nói:

- Anh, sao em cứ thấy có chỗ không thỏa đáng. Rõ ràng cuối cùng anh chỉ lời hai tiền một con thôi chứ.

Nụ cười trên miệng vị lớn tuổi hơn kia có chút cứng lại, sắc mặt ông ta dần trở nên khó coi. Vị nhỏ tuổi hơn thấy vậy lại giải thích:

- Này nhé, lần đầu anh mua giá mười tiền một con, bán ra mười hai tiền là lời được hai tiền. Sau đó anh mua lại mười lăm tiền một con, tức là lỗ mất ba tiền, rồi lại bán được mười tám tiền tức là lời thêm được ba tiền. Như vậy cuối cùng anh chỉ lời được hai tiền thôi chứ.

Tôi nghe hai anh em kia nói chuyện liền không nhịn được mà khẽ cười. Xuân Hương bên cạnh tôi cũng xòe cả bàn tay ra nhẩm nhẩm, cuối cùng vẫn không tính ra được, nàng khẽ gãi gãi tóc, trông bộ dáng cũng thật đáng yêu.

Đương khi hai anh em nhà kia còn đang tranh cãi, thì ở một bàn trà khác cách đó không xa vang lên một tràng cười thanh thúy. Vị lớn tuổi hơn trong hai anh em còn đang bực bội trong lòng vì chưa rõ rốt cuộc mình kiếm được bao nhiêu tiền, liền gắt gỏng nói vọng sang:

- Này, tên kia. Chú mày cười cái gì hả?

Tôi theo tầm mắt ông ta nhìn sang bàn người nọ. Người nọ chỉ tầm hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi, để tóc dài, mặc một thân áo vải màu tro, y phục đã cũ nhưng trông khá chỉn chu, sạch sẽ. Diện mạo anh ta nhu hòa, sóng mũi cong cong mềm mại nhưng đôi mắt lại cực kỳ tinh anh, linh lợi. Vừa nhìn qua đã biết người này tuyệt không phải hạng tầm thường. Tôi liền hứng thú dõi theo câu chuyện của bọn họ. Lại nghe người nọ nói:

- Tôi cười các vị tự cho mình là thương nhân sành đời mà vẫn không tính ra được mình rốt cuộc là lời hay lỗ.

Tôi khẽ phì cười. Người này ngạo khí cũng không nhỏ à nha.

Thấy vẻ lúng túng trên gương mặt vị khách nhân lớn tuổi, người nọ khẽ nhếch mép cười nói:

- Thật ra lần này vị thúc thúc đây đã lỗ mất sáu tiền.

Lúc này miệng vị khách nhân lớn tuổi kia tựa hồ như méo xệch, mặt cũng trắng bệch, mồ hôi bắt đầu rỏ xuống từ thái dương ông ta. Vị nhỏ tuổi hơn trong hai người liền cất tiếng:

- Cậu này, xin cậu giải thích một chút. Tại sao cậu lại nói anh tôi lỗ mất sáu tiền?

Người nọ bắt đầu ôn tồn giải thích:

- Tuần trước vị thúc thúc này mua đàn dê giá mười tiền một con, nếu thúc ấy không bán ra ngay với giá mười hai tiền một con, mà đợi đến sáng nay mới bán ra với giá mười tám tiền một con thì có phải đã lời được tận tám tiền một con không? Thúc ấy bán ra rồi lại mua vào rồi lại bán ra, đến cùng cũng chỉ lời được hai tiền. Nhưng lại để lỡ mất cơ hội kiếm được tám tiền. Như vậy, rõ ràng so sánh cả hai quyết định thì thúc ấy lỗ mất sáu tiền còn gì?

Lúc này thì cả hai vị khách nhân kia đều há hốc mồm. Người nọ trái lại chỉ mỉm cười, nhàn nhã uống trà. Hai vị khách nhân kia sau một hồi thất thần thì liền hiểu ra người trước mắt là cao nhân, liền lật đật chạy đến ngồi xuống bên cạnh người nọ hỏi đủ chuyện làm ăn từ nam ra bắc.

Tôi cũng không nén nổi tò mò, liền quay sang hỏi ông lão bán nước:

- Ông ơi, ông cho cháu hỏi thăm một chút, ông có biết người thanh niên kia là ai không ạ?

Ông lão bán nước gật gù nói:

- Biết chứ, cậu ta là Hồng Hiến chứ ai. Cậu ta từ nhỏ đã lớn lên ở khu chợ này. Cậu ta thông minh lắm đấy, tính nhẩm nhanh nhất toàn vùng, hai ba người cùng dùng bàn tính cũng không tính lại cậu ta đâu. Con người cậu ta học rộng biết nhiều, thơ từ ca phú cũng rất giỏi, thường giúp bá tánh trong vùng viết thư từ, đơn tụng. Có điều, nghe đâu cậu ta không phải người gốc Việt mình, cha mẹ cậu là người Hán thì phải.

Tôi ngồi lắng nghe người thanh niên tên Hồng Hiến cùng hai vị khách kia trò truyện. Càng nghe càng nhận ra Hồng Hiến người này quả thật không đơn giản. Không những sành sỏi chuyện làm ăn giao thương mà còn vô cùng am hiểu văn hóa Tống triều và Chiêm Thành. Tôi lại nghĩ, nếu người này có thể ở bên cạnh hỗ trợ Lê Viễn thì sau này việc trong Hộ Bộ tôi cũng đỡ âu lo phần nào rồi. Đợi đến khi hai vị khách kia rời đi, tôi liền lập tức đến bên bàn của Hồng Hiến chắp tay chào hỏi:

- Tôi ngồi ở bên bàn kia, hân hạnh được nghe huynh trò truyện. Huynh quả thật tài năng hơn người, thật làm tôi hâm mộ quá. Tôi tên Dương Vân, rất mong được làm quen với huynh.

Hồng Hiến liền đứng dậy đáp lễ. Anh ta nhìn tôi một thân y phục hoa lệ từ đầu đến chân, xem ra anh đoán chừng tôi là một công tử con nhà quan văn nào đó, bèn cất lời:

- Công tử quá lời rồi, tôi nào có tài năng gì? Chỉ là thân phận thương nhân thấp hèn mà thôi, nào dám nhận sự tán thưởng của công tử. Tôi họ Hồng, tên một chữ Hiến.

Nói đoạn, Hồng Hiến liền mời tôi ngồi vào bàn, tự mình rót cho tôi một tách trà. Tôi cũng không khách sáo, cùng anh ta trò truyện vui vẻ một hồi. Qua lời Hồng Hiến kể, tôi được biết cha mẹ anh ta là quý tộc người Nam Hán, chạy loạn đến Tĩnh Hải Quân, về sau sinh ra anh ta ở Hoa Lư nên cả nhà liền lưu lại mảnh đất này.

Hồng Hiến quả thật có thiên tài thi phú, lại thông minh hơn người, vùi thân ở khu chợ này quả thật đáng tiếc. Tôi lựa dịp thuận tiện, bèn hỏi anh ta:

- Huynh có từng nghĩ đến việc ra làm quan góp sức cho triều đình không?

Hồng Hiến nhìn tôi, lại khẽ nhếch mép cười chua xót:

- Chắc huynh cũng đã nghe qua câu “Con vua thì lại làm vua. Con sải ở chùa thì quét lá đa”. Thường dân bá tánh như bọn tôi đời đời cũng không có cơ hội để được làm quan. Càng không nói đến chuyện tôi còn xuất thân từ tầng lớp thương nhân, chuyện công danh với tôi mà nói quả thực xa vời.

Tôi ngẫm nghĩ những lời Hồng Hiến vừa nói. Anh ta nói quả thực không sai, trong xã hội phong kiến cha truyền con nối, tầng lớp quan lại quý tộc đều tập tước từ gia phụ, tổ tiên. Tầng lớp thường dân bá tánh muốn ra làm quan chỉ có một con đường thi cử. Nhưng nước ta giai đoạn này lại không giống Trung Hoa, Nho giáo mặc dù đã du nhập vào nước ta gần cả ngàn năm nay nhưng vẫn phát triển hết sức chậm chạp và không có sự ảnh hưởng nhiều bằng Phật Giáo và Đạo Giáo. Nho Giáo không phải là hệ tư tưởng chính trị chính của nước ta, hệ thống thi cử tuyển chọn người tài ra làm quan cũng chưa từng có. Có thể nói nước ta hiện thời có giáo dục nhưng lại không có khoa cử, tầng lớp thống trị biết chữ Nho nhưng lại không dung nạp tư tưởng Nho Giáo. Đây chính là điều khiến tôi cùng Trịnh Tú vẫn luôn canh cánh trong lòng, nhưng một mình Trịnh Tú cùng môn sinh của anh vẫn không đủ sức thay đổi tư tưởng của cả triều đại.

Hồng Hiến thở dài, cất giọng chua chát:

- Tôi không thể trở về cố hương, ở lại Đại Cồ Việt cũng không thể tiến thân, chỉ có thể sống tạm bợ qua ngày.

Thấy anh ta lòng đầy bất đắc chí, tôi ngẫm nghĩ một hồi, cảm thấy người này tài năng hơn người, bỏ qua thật đáng tiếc, bèn lên tiếng an ủi anh ta:

- Xin huynh chớ vì xuất thân mà nản lòng, đôi khi cơ hội là do tự bản thân mình đoạt lấy.

Nói đoạn, tôi rút từ trong người ra một lệnh bài bằng đồng, trên lệnh bài khắc nổi một chữ Lê kiểu chữ triện, trao cho Hồng Hiến nói:

- Huynh đem Lệnh bài này đến Hộ Bộ tìm Hộ Bộ Thượng Thư Lê Viễn, nói với đệ ấy sắp xếp cho huynh một chức vụ trong Hộ Bộ.

Nhìn chằm chằm lệnh bài trong tay một hồi, Hồng Hiến lại ngẩng ra nhìn tôi, môi mấp máy không nói nên lời. Tôi lại cười nói:

- Hồng Huynh, ngày tháng sau này có thể cá chép hóa rồng, đạt được thành tựu hơn người hay không phải trông cậy vào chính năng lực bản thân huynh rồi.

Nói rồi, tôi đứng lên hành lễ cáo từ. Hồng Hiến vẫn nắm chặt lệnh bài trên tay, thần sắc vô cùng phức tạp. Thấy tôi quay lưng rời đi, anh ta vội đứng bật dậy:

- Đa tạ… Dương… Dương Cô nương.

Tôi bật cười, cùng Xuân Hương rời quán nước. Kẻ này, cũng tinh mắt lắm.

Khi ấy, tôi chỉ nghĩ tiện tay giúp đỡ một người có duyên, nào có ngờ đâu người thanh niên ấy về sau lại trở thành một trong những nhân vật nổi danh nhất triều Tiền Lê, nhưng đó còn là chuyện của rất lâu sau này…

***********************************************

Tôi cùng Xuân Hương lại đi dạo đến khi sắc trời dần ngả vàng. Xuân Hương bị một hàng trang sức bên đường thu hút sự chú ý, nàng dừng chân lựa tới lựa lui, thử hết món này đến món kia. Tôi cũng không vội, chỉ thong thả tản bộ gần quầy hàng.

Đi ngang qua một con ngõ nhỏ, tôi thấy ba người đàn ông đang ngó trước ngó sau rồi lén lút đi vào trong ngõ. Tuy bọn họ mặc trang phục thương buôn Đại Cồ Việt nhưng nhìn tướng mạo rõ ràng là người Chiêm Thành cải trang. Tôi cảm thấy bộ dáng của chúng rất đáng ngờ, bèn đánh liều bám theo.

Qua hết mấy con ngõ lớn ngõ nhỏ quanh co khúc khủy, bọn chúng tiến vào trong một con hẻm cụt. Bên trong đã có một thân ảnh cao lớn mặt trường bào cẩm sắc đứng đợi bọn chúng. Mũ áo bào che kín gần hết diện mạo của người nọ, chỉ có thể nhận ra đó là một người đàn ông trẻ tuổi. Nhưng người này dáng hình thật sự rất quen mắt, chỉ là tôi nhất thời chưa thể nhớ ra đã từng gặp được gã ở đâu. Tôi thấy ba tên Chiêm Thành kia dâng lên cho người nọ một phong thư, gã nhận lấy phong thư lại trao cho ba người kia một túi đồ. Bọn họ bắt đầu trao đổi thông tin gì đó, người nọ nói rất khẽ, ba người kia đáp lại bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ.

Tôi núp ở một góc đầu ngõ, dỏng tai lên cố hết sức nghe. Bất chợt, sau gáy đau nhói một cái. Mắt mũi đều tối sầm.

Tôi loạng choạng ngã xuống, trước khi mất đi ý thức chỉ kịp nhận ra một cái bóng lờ mờ vừa tập kích mình. Lần này… phiền phức rồi!

-Hết chương 33-



[1]Dịch nghĩa:

Nước Đại Cồ Việt sánh ngang niên hiệu Khai Bảo nhà Tống

Kinh đô Hoa Lư như kinh đô Tràng An nhà Hán.

Năm Giáp Tý (1864) niên hiệu Tự Đức. Thị giảng học sĩ Phượng Trì Vũ Phạm Khải Đông Dương bái đề.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưỡng triều hoàng hậu - Chương 40

  Lưỡng triều hoàng hậu Chương 40 Chương 40 Mong người Quân yêu thấu hiểu lòng Quân. ********************************* Qua hồi lâu sau...